Cách nhận biết rau quả sạch
Trước thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đã đến mức báo động đỏ, người dân thực sự hoang mang không biết đâu là thực phẩm "sạch", đâu là thực phẩm "bẩn" để trên cơ sở đó lựa chọn cho mình những thức ăn bổ dưỡng thay vì độc hại.
Để giúp bạn đọc phần nào phân loại được những thực phẩm này, dựa trên kết quả kiểm tra của các cơ quan chức năng như Cục Bảo vệ thực vật, trường ĐH Y Hà Nội, dưới đây sẽ là danh sách những thực phẩm nằm trong nhóm nguy cơ cao thuốc tồn dư bảo vệ thực vật, thuốc kích thích, tăng trọng cao…
Độc từ rau…
Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông ngiệp và phát triển Nông thôn: những loại rau ăn lá và thường xuyên không thể thiếu trong bữa ăn hằng ngày như: rau muống, rau cải, rau ngót là những loại có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao nhất. Tiếp đến là đậu quả. Bầu, bí, su su, cà chua, cải bắp, các loại rau ăn củ… thì ít dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hơn.
Rau càng đẹp mắt càng... độc.
Những loại rau ăn sống như xà lách, rau diếp, mùi, thơm, húng… khảo sát tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy cũng nằm trong nhóm thực phẩm "bẩn" khi 50 mẫu được kiểm tra thì 60% mẫu phát hiện có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, 40% mẫu có kim loại nặng.
Giá đỗ thì “ngậm” lượng hóa chất không nguồn gốc, xuất xứ chỉ biết của Trung Quốc, ngoài ra còn được “búng” phân đạm để tăng trưởng “siêu tốc” đồng thời còn làm giá mập, trắng muốt.
Ông Nguyễn Xuân Hồng cho báo giới biết: “Trong số 25 hoạt chất thuốc BVTV thường phát hiện vượt mức dư lượng tối đa cho phép, tần suất cao nhất là cypermethrin, acephate, pemethrin, indoxacarb, fenobucarb… Trong đó, cypermethrin, fipronil là loại độc nhóm 2, không được dùng trong rau xanh nhưng đây là lại những chất luôn có lượng tồn dư cao”.
… đến quả
Cũng như rau xanh, trái cây cũng có lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật cao, đặc biệt là đối với trái cây nhập từ Trung Quốc như táo, lê… Đáng nói hơn là trong số hoa quả nhập khẩu bán trên thị trường, nhiều loại trái cây của Trung Quốc lại ghi xuất xứ Mỹ, New Zealand… Cho nên để tránh loại trái cây độc hại này, trước hết cần “tẩy chay” trái cây Trung Quốc. Sau đó phân biệt trái cây Trung Quốc với các nước khác bằng cách nhận biết những đặc điểm sau đây:
Rau quả "sạch" và "bẩn" được bán lẫn lộn
Táo: Nếu nhập khẩu từ Trung Quốc thì quả tròn, thường được bọc trong lưới xốp (khi bóc lưới xốp ra thấy rất nhiều hạt trắng mịn đọng trên vỏ táo đó chính là hóa chất bảo quản bị bay hơi). Còn táo New Zealand, Mỹ thì góc cạnh, hình dáng hơi vuông, cao thành.
Nho: Giống nho Mỹ màu tím, quả tròn, to. Còn giống nho xanh thì chùm rất dài và có màu xanh vàng. Do trải qua nhiều công đoạn như hái, bảo quản, vận chuyển dài ngày nên cuống nho thường bị héo. Nho tím Việt Nam thì quả nhỏ. Nho xanh thì chùm ngắn, có màu xanh tươi, thời vụ chính là từ tháng 7 đến tháng 10.
Cam: Cam của Trung Quốc quả rất to,bọc trong lưới, có màu vàng tươi do bị tẩm hóa chất và bị đánh bóng. Trong khi cam Việt nam có 2 loại: cam xanh quả to, vỏ sần và cam quả tròn, nhỏ có màu xanh vàng (cam Vinh). Do quá trình phòng nhện châm vào vỏ cam của ta chưa tốt nên vỏ cam nội thường bị rám.
Quýt: Quýt nhập của Trung Quốc vỏ dày, quả thấp, và khi bóc ra 2 đầu múi quýt thường khô. Khác hẳn với quýt Trung Quốc, quýt của ta vỏ mỏng, hay bị rám, cao thành và chính vụ kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau.
Dưa vàng: Đều của Trung Quốc chứ không phải của New Zealand như nhiều cửa hàng trên thị trường giới thiệu hay dán tem. Loại quả này hay bị tiêm nước đường hóa học vào ruột nên khi bổ ra sau vài tiếng, ruột sẽ bị nhũn.
Hồng: Nếu của Việt Nam thường xấu “mã”, núm quả có nhiều đốm đen, bóc ra thấy phần ruột gần núm hơi bị cứng. Hồng Trung Quốc thì ngược lại vỏ rất đẹp, đỏ đậm do bị bôi phẩm màu, không bị nát vì tẩm nhiều thuốc bảo quản.